Nước sạch chung cư- nỗi lo bỏ tiền mua nước bẩn

Tình trạng thiếu nước sạch hoặc không có nước sạch để sử dụng tại nhiều chung cư trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đang trở thành nỗi ám ảnh của hàng nghìn người dân.

Kinh hoàng nước bẩn hôi thối, nhiễm dầu

Suốt 2 năm qua, hàng nghìn hộ dân ở khu chung cư Tân Tây Đô (Hà Nội) phải sống trong cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nguồn nước cấp nhỏ giọt, chất lượng nước không đảm bảo, có mùi hôi thối rất đáng sợ…

Mới đây nhất, cư dân ở đây đã có đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng về tình trạng không có nước sinh hoạt. Theo đó, khi xảy ra việc nước nguồn sông Đà bị ô nhiễm dầu thải cư dân không nhận được bất kỳ lời cảnh báo nào từ các đơn vị cung cấp nước ngoài hướng dẫn: “Cư dân cứ dùng bình thường, chỉ là do lượng clo dư nên nước có mùi” từ ban quản lý toà nhà. Thậm chí, kể cả khi Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà thông báo cấp nước trở lại, cư dân Tân Tây Đô vẫn chưa có nước để sử dụng.

Phản hồi đơn thư của người dân, đại diện Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị có liên quan cấp nước sinh hoạt cho cư dân ngay trong ngày 24/10/2019. Nhưng đến tận tối ngày 25/10/2019, đơn vị cấp nước mới mở van để cung cấp nước trở lại.

Bà Lê Thu H, cư dân toà nhà HHB – KĐT Tân Tây Đô cho hay: “Đêm 25/10, bắt đầu có nước trở lại, tuy nhiên lượng nước rất ít. Gia đình tôi sợ mất nước nên đã tích lại hai thùng nước, song sau một đêm nước tích được lại có mùi thối, khó chịu, váng dầu nổi”.

Để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu nước sinh hoạt, Ban quản trị toà nhà đã phải mở van nước chữa cháy để sử dụng. Nhiều hộ dân cho biết phải xếp hàng đợi xách từng xô nước để phục vụ sinh hoạt cả gia đình, nước dù không sạch nhưng vẫn phải dùng… Cuộc sống bị đảo lộn, thiếu thốn và “dè sẻn” nước như thời bao cấp.

Trước đó, báo chí đã phản ánh tình trạng hơn 10.000 người dân tại KĐT Tân Tây Đô vẫn phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo, nhiễm asen vượt quá quy chuẩn của Bộ Y tế. Kết quả kiểm tra chất lượng nước ngày 3/10/2017 cho thấy, hàm lượng asen có trong nước tại KĐT Tân Tây Đô (chưa qua thiết bị lọc) là 0,02mg/l, cao gấp 2 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sau nhiều lần cầu cứu chủ đầu tư, các cơ quan chức năng, đến tháng 9/2018, người dân nơi đây mới được sử dụng nguồn nước Sông Đà do Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội tiếp nhận của Viwasupco.

Đột ngột cắt nước ở chung cư Platium Residences

Không chỉ có cư dân KĐT Tân Tây Đô khốn khổ vì nước sạch, hàng chục hộ dân sinh sống tại chung cư Platium Residences (quận Ba Đình, Hà Nội) mới đây đã bị cắt nước bất thình lình, gây bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt.

Cụ thể, ngày 28/10/2019, hơn 20 hộ dân sinh sống tại chung cư Platium Residences bất ngờ phát hiện gia đình bị cắt nước nên gửi đơn đến chính quyền phường Ngọc Khánh. Đến sáng hôm sau, một số gia đình đã được cấp nước trở lại nhưng cư dân ở đây vẫn hết sức bức xúc trước việc làm vô nguyên tắc của Ban quản lý chung cư.

Theo một số hộ dân, nguyên nhân cắt nước là do tranh cãi giữa cư dân và ban quản lý toà nhà, nghi ngờ có sự khuất tất trong việc đấu thầu dịch vụ quản lý, các dịch vụ bảo vệ, dọn vệ sinh của đơn vị hiện tại kém chất lượng… Trong khi chưa thống nhất được việc này, thì ban quản lý đã bất ngờ cắt nước của các cư dân.

Bỏ tiền mua nước bẩn, ai chịu trách nhiệm?

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nước sạch đô thị là vụ việc hệ thống nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, khiến cuộc sống của gần 250.000 hộ dân ở khu vực phía Tây Hà Nội hoang mang, lo sợ, mọi sinh hoạt bị đảo lộn vì thiếu nước sạch…

Ngày 10/10, nhiều hộ dân tá hoả khi phát hiện nước sinh hoạt được mua từ nhà máy nước sạch sông Đà có mùi hắc, khét, nổi váng dầu… mà phổ biến nhất là ở khu vực các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm. Ngày 14/10, Viwasupco báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), dầu lan vào kênh dẫn nước nguồn của nhà máy. Thế nhưng, công ty này vẫn tiếp tục bán nước nhiễm dầu thải cho người dân sử dụng, bất chấp mối nguy hại đến sức khoẻ con người.

Theo thông báo của TP.Hà Nội ngày 15/10, nước máy sông Đà đã bị nhiễm độc, hàm lượng styren trong nước vượt ngưỡng từ 1,3 – 3,6 (Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, mức giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT là 20 mg/lít). Do đó, chính quyền khuyến cáo người dân “chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống”. Lúc này, người dân buộc phải mua nước lọc với giá cao để sử dụng cho ăn uống, hàng ngày xếp hàng để xin nước “cứu trợ” của thành phố.

Tình trạng căng thẳng thiếu nước sạch đẩy lên cao độ khi chiều 16/10, Viwasupco ngừng cấp nước để súc xả đường ống và “không hẹn ngày cấp trở lại”, khiến người dân đổ xô tới các siêu thị, cửa hàng để “vơ vét” nước bình, nước đóng chai để tích trữ, chấp nhận bị chặt chém hét giá trong sự uất nghẹn, bế tắc.

Nửa tháng sau tất cả những bức xúc đó, Viwasupco gửi thông báo xin lỗi khách hàng và thừa nhận “chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra”. Lời xin lỗi được đưa ra một cách miễn cưỡng kèm thông báo miễn phí tiền nước một tháng khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Việc những sự cố về nước sạch liên tiếp diễn ra ở nhiều khu đô thị đã cho thấy an ninh nước sạch quốc gia đang bị đe doạ. Một khi cơ quan chức năng, doanh nghiệp buông lỏng khâu kiểm soát chất lượng nước thì bất cứ lúc nào sự cố cũng có thể xảy ra.

Có lẽ đó cũng là lý do mà người dân khó có thể tin tưởng về chất lượng nước do sông Đà cung cấp trở lại, dù Hà Nội đã thông báo “nước sạch sông Đà an toàn”.

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ đảm bảo cho người dân Hà Nội rằng những sự cố như nước nhiễm dầu thải sẽ không lặp lại? Bởi rõ ràng, người dân có quyền lợi chính đáng khi bỏ tiền mua nước cần một sự ràng buộc cao hơn về trách nhiệm của nhà cung cấp.

Tuy nhiên, khi những câu hỏi về việc quản lý, giám sát hoạt động sản xuất nước sạch ở đô thị chưa được làm sáng tỏ, trách nhiệm giải trình, khắc phục hậu quả, đặc biệt là bồi thường thiệt hại cho người dân ra sao… thì TP.Hà Nội lại rục rịch muốn tăng giá nước sạch.

Theo Bao Moi truong